Thanh Y Dao - Chương 2
Ngày 19 tháng 2 năm 1920 – Mùng Ba mươi Tết Nguyên đán
Năm Canh Thân, năm đầu tiên nhân dân Lam Thành đón Tết trong tiết trời mát lạnh vương chút gió sau gần nửa năm sống chung với cái nắng gay gắt. Đây cũng là năm đầu tiên cả thị trấn không tổ chức lễ đón Giao thừa vì gần đến nửa đêm, trời vẫn mưa rả rích, mọi lễ lạt truyền thống đều bị hủy bỏ. Nhiều người tin rằng đây là phước lành mà thần mưa mang lại, vì ngài đã nghe được thỉnh cầu của con dân nên mới hô mưa gọi gió, cứu tất cả khỏi cơn đói triền miên vì hạn hán. Cũng trong đêm mưa giá rét thế này, một nữ tử không rõ lai lịch, một tay ôm con, một tay đeo nải hớt hải rời thị trấn chạy vào rừng.
Cánh rừng nằm ngay địa phận của thị trấn. Trời lúc này tối đen như mực. Những người tiều phu đã về nhà tắm rửa, chuẩn bị thắp hương rước ông Táo. Không còn ai qua lại trên đường để cứu giúp nữ tử nọ và con nàng thoát khỏi hai kẻ truy đuổi giấu mặt.
Đứng trước hàng cây thông cổ thụ cao ngất, nàng chỉ có thể liều mình len vào một phen. Thật khó để cắt đuôi bọn chúng khi nàng chỉ có một thân một mình, còn con nàng thì quá nhỏ để có thể chạy đi tìm người giúp. Dẫu đã nhiều lần thoát khỏi vòng vây của kẻ thù, nàng vẫn không yên tâm dừng lại mà cứ chạy mải miết, chạy cho đến khi trước mặt nàng là một cái hang rất nông, lối vào bị tùm cây leo phủ kín, nếu không nhìn kĩ sẽ không hay đây là hang đá. Nàng ngoảnh ra sau thêm lần nữa rồi vén dây leo đi vào.
Nàng giấu con sau tảng đá đồ sộ ngay cửa hang. Con bé rời tay mẹ thì im thin thít. Trong hang tối mịt và ẩm ướt, lắm lúc lại nghe nước mưa rỏ xuống vũng kêu tí tách. Nàng tự trấn tĩnh mình bằng một hơi thở sâu rồi từ từ tiến ra mép cửa. Trong tay nàng là con dao găm nàng dùng để phòng thân. Chỉ cần có kẻ liều mình xông vào, nàng sẽ xả thân đâm hắn đến chết.
Bọn chúng tìm được đến nơi nhưng không nhận ra cái hang sau hàng dây leo nên đành hậm hực bỏ đi chỗ khác. Cũng nhờ thế mà mẹ con nàng thoát nạn. Nàng tựa lưng vào thành đá, ngồi thụp xuống. Con dao trên tay nàng rơi ra, tiếng leng keng át cả tiếng nước rỉ. Y phục nàng lấm tấm bùn đất, cả người đều sũng nước. Ban nãy mải chạy, nàng không để ý là mạng che mặt đã tuột dây. Lúc đưa tay lên sờ mới nhận ra nó đã rơi đâu mất. Giờ có quay lại đường cũ vì một chiếc mạng thì cũng không đáng. Nghĩ vậy, nàng chỉ dám thở dài một tiếng.
Lúc này, một tiếng động lạ đột ngột truyền đến khiến tim nàng thót lại. Nàng vớ vội con dao, đứng phắt dậy. Ngó ra ngoài nàng thấy một bóng đen mờ thấp thoáng giữa tùm cây dại. Thoạt nhìn, trông nó có vẻ không giống hình người. Cho đến khi nó rũ hết cành khô còn đang bám trên người, nàng mới nhận ra đây đích thị là một nam nhân. Kẻ này lững thững tiến về cửa hang, một tay ôm eo, một tay vén hàng dây leo um tùm ra khỏi. Hóa ra cũng có kẻ nhận ra được cái hang này.
Chẳng kịp suy nghĩ gì, nàng liều mạng xông ra giữa cửa, định đâm kẻ nọ một nhát vào giữa ngực. Nào ngờ, dao chưa kịp vung, cổ tay nàng đã bị một tay hắn chụp lại. Hắn xoay nàng nửa vòng để nàng quay lưng vào ngực hắn, tay còn lại hắn kề ngay cổ nàng. Hắn không nói, chỉ thúc nàng tiến sâu vào trong, đến ngay chỗ mà con nàng đang trốn. Con bé nấc lên một tiếng và cả nàng lẫn hắn đều khựng lại. Giờ thì hắn đã biết còn có trẻ con ở đây.
Con dao găm rơi xuống đất. Hai tay nàng hết cào cấu rồi lại bấu cổ tay hắn kéo ra. Nàng dồn hắn vào chân tường, co mình vùng vẫy. Nàng làm tất thảy mọi thứ nhưng thật ra từ nãy đến giờ, chỉ có nàng làm hại hắn. Tay hắn chưa từng chèn vào cổ nàng. Con dao cũng là tự nàng đánh rơi.
Bên ngoài lại truyền đến tiếng ngựa phi, theo sau là hàng loạt tiếng hò hét, truy đuổi của đám người mà trong tưởng tượng của nàng còn hung tợn hơn cả hai kẻ bịt mặt vừa qua. Bọn chúng đông người hơn, thêm nữa còn cưỡi ngựa, có thể mẹ con nàng sẽ còn gặp nguy hơn lúc ban nãy. Rốt cuộc bọn chúng đang đuổi theo ai?
Nàng sững người, tim đập thình thịch như muốn nhảy ra ngoài. Là kẻ đang đứng sau nàng đây. Đích thị là hắn. Thế nên hắn mới phải trốn vào hang như mẹ con nàng. Nhưng phải làm gì thì hắn mới bị truy đuổi gắt gao đến vậy? Lẽ nào là tội phạm triều đình vượt ngục bỏ trốn? Nếu vậy thì hai mẹ con nàng chắc chắn sẽ chết chứ không thể nào thoát khỏi đây được.
Nghĩ vậy, nàng chỉ càng thêm hối hận vì đã lỡ sa chân vào chốn rừng thiêng nước độc. Nhưng nếu được quay lại vào thời điểm một canh giờ trước, nàng có lẽ vẫn sẽ theo bước đường này. Trước mắt, nàng chỉ có hai lựa chọn. Một là trông cậy vào đám người hung hăng đang di chuyển ngoài kia, hai là đặt cược vào kẻ đang đứng sau mà nàng chưa một lần thấy mặt. Nếu theo cách đầu tiên thì nàng chỉ cần kêu lên một tiếng.
Thế rồi, cổ họng nàng rên lên khe khẽ. Hắn đằng sau chắc cũng đoán được bảy, tám phần ý nàng liền ghé sát tai thì thầm:
– Im lặng. Ta sẽ không làm hại mẹ con cô.
Nàng im bặt. Giọng hắn, trong lúc này, nghĩ sao vẫn thấy nhẹ nhàng day dứt. Nếu hắn thật sự có ý đồ xấu thì ngay từ đầu đã không để cho nàng làm loạn mà đã một tay giết chết hai mẹ con. Hắn đơn giản là chỉ muốn trốn ở đây. Vậy có lẽ…
Nàng thả lỏng hai vai, đứng im không nói năng gì. Bọn chúng đúng là có tìm đến đây. Có kẻ còn định xông vào kiểm tra, song vì đồng bọn phát hiện vết máu lạ ở phía bên kia bờ rừng nên đã gọi hắn chạy theo. Thoát khỏi nguy hiểm, nàng hất tay vị nam nhân kia ra khỏi, chạy đến ôm con gái vào lòng.
– Tiểu Thục, mẹ đây, mẹ đây. – Nàng gọi, giọng vẫn hết sức dè chừng.
Con bé hình như gục mặt vào vai áo mẹ, khóc thút thít.
– Mẹ, Tiểu Thục không sao. Ban nãy Tiểu Thục thấy có người bắt lấy mẹ…
– Không sao rồi, không sao rồi. – Nàng vuốt lấy mái tóc bết vì nước mưa của Tiểu Thục.
Trời càng về đêm càng trở nên mù mịt. Nàng và Tiểu Thục chỉ có thể dựa vào hơi thở nóng rần của đối phương mà nắm bắt phương hướng. Ôm con gái được một lúc, nàng như nhớ ra điều gì, lại quay lại bờ tường lần mò. Con dao, nàng đã quên nhặt nó. Mà kì lạ, vị nam nhân kia sao không thấy lên tiếng gì?
Tay nàng lúc này vô tình chạm phải thứ nước gì đó sền sệt nong nóng. Nàng đưa lên mũi ngửi. Là máu, máu của vị nam nhân ấy. Ban nãy lúc còn ở ngoài hang nàng thấy vị này ôm eo, có lẽ là đã bị thương. Máu chảy nhiều thành vũng, không xử lý kịp thì sẽ mất mạng ngay. Nhưng nếu vị nam nhân này thật sự là tội phạm triều đình thì chẳng phải cứu sống hắn sẽ là tội chết hay sao?
Nghĩ đi nghĩ lại, nàng vẫn là nên nhóm lửa xem xét tình hình trước. Nàng bảo Tiểu Thục gom ít củi khô nằm rải rác trong hang, còn mình thì ra ngoài cắt một mảnh gỗ khô. Đoạn, nàng ra góc sáng ngồi. Tiểu Thục lẽo đẽo chạy theo. Sau khi cắt bỏ nhánh con trên cành, nàng lấy dao vót nhọn một đầu. Tiếp đến, nàng khắc một cái rãnh ngay chính giữa mảnh gỗ. Công đoạn này tốn thời gian lại mất nhiều sức. Đến khi làm xong, tay nàng rã rời, không đủ lực để mài ra lửa. Đến lúc này thì vị nam nhân kia xuất hiện.
Hai mẹ con nàng hơi ngẩng lên khi chàng tới. Chàng một tay ôm bụng, một tay đón lấy que củi trong tay nàng, nhẹ nhàng:
– Để ta.
Hai đầu gối chàng đè xuống mép tấm gỗ, tay vừa ép vừa mài cành củi vào giữa rãnh rất thuần thục. Mẹ con nàng ngồi im không nói gì. Lần cuối nàng mài gỗ nhóm lửa như thế này đã phải mất đến hơn một nửa canh giờ thì lửa mới bén. Nàng biết chàng đã dùng nhiều sức nên chưa đến một khắc đã lên lửa.
Nhóm củi xong, nàng bất giác nhìn về phía vị nam nhân vừa giúp mình. Chàng trông cao ráo, oai phong, đầu tóc búi lên gọn gàng. Bộ y phục chàng mặc được làm bằng loại gấm trơn chỉ có duy nhất ở kinh đô Hồng Thanh. Đôi giày chàng đi cũng được thêu bằng chỉ vàng. Mặt thì nàng không thấy rõ bởi chàng đeo mặt nạ. Nhưng trước giờ nàng chỉ thấy loại mặt nạ che từ chân mày tới gò má chứ chưa từng thấy loại nào có một bên kéo dài quá cằm trái như của chàng.
Từ bấy đến giờ, chàng vẫn luôn đứng tựa vào tường đá. Cho đến lúc nàng ngoảnh sang, chàng đã không cầm cự được mà gục xuống, nằm vạ vật trên sàn. Lúc này nàng mới nhớ ra là chàng đang còn bị thương. Hai tay chàng siết chặt lấy vết thương ở bụng. Nhìn thanh củi vừa bị mài mòn dính đầy máu chàng, nàng đã không do dự thêm một giây nào.
Nàng đỡ chàng ngồi dậy. Phải cởi hết cả hai lớp y phục của chàng nhưng nàng không ngại. Thân hình chàng săn chắc đúng kiểu của những nam nhân tập võ. Trước ngực và sau lưng chàng chi chít những sẹo. Các vết thương đa phần là do lưỡi kiếm để lại, chỉ có mạn sườn trái và bắp tay là do bỏng mà nên.
Tiểu Thục lon ton đem túi vải đến cho nàng. Nàng mò lấy kim khâu và cuộn chỉ, cẩn thận hơ trên lửa. Tiểu Thục chuẩn bị thêm một chiếc khăn cho chàng ngậm vào, nhưng chàng khẽ lắc đầu.
Luồn chỉ xong, nàng quay sang khẽ bảo chàng:
– Không có thuốc tê, ngươi chịu đau được không?
Chàng chỉ cười không đáp. Nàng không rõ nụ cười ấy nghĩa là gì, dù sao khâu sống cũng là lựa chọn duy nhất của chàng. Ước chừng vết thương khâu hết bốn mũi, một con số đối với nàng mà nói là không dễ gì nếu chẳng có thuốc tê. Lần nào nàng đặt kim cũng thấy chàng siết chặt bàn tay, đôi lông mày cau lại vẻ căng thẳng. Nhưng đau đến mấy thì chàng cũng không kêu tiếng nào. Đến lúc nàng cắt chỉ, chàng mới thả lỏng đôi vai, trút một hơi thở dài và nhẹ nhõm.
– Đưa khăn cho mẹ. – Nàng nói với Tiểu Thục. Con bé đưa bằng hai tay cho nàng. Nàng gấp lại làm bốn, hơi rướn người lau hết mồ hôi trên mặt chàng. Ánh mắt lơ đễnh của nàng bỗng va phải ánh mắt có chút cảm động của chàng ở phía đối diện. Hai người, bốn mắt nhìn nhau không chớp.
Sao nàng bỗng thấy buồn man mác. Nhìn vào đôi mắt nâu hạt dẻ kia, nàng thấy gì? Nàng thấy mình đứng giữa mặt hồ tĩnh lặng và trong lành. Vào mùa thu nên làn nước trong veo. Lá vàng rụng lả tả làm nước hồ dao động. Đường sóng lượn lên cong vút, va vào nhau rồi dần dần lặn xuống. Nàng khom người nhìn xuống. Hồ đẹp đến vậy nhưng trong nước không có cá.
Nàng giật mình. Chẳng biết nàng đã ở tư thế này bao lâu nhưng hình như chàng cũng đang nhìn nàng rất chăm chú. Nàng chợt nhớ mình đã đánh mất mạng che ngang đường. Ngượng quá, nàng lấy tay che hai bên má rồi ngồi lùi ra xa.
Nàng cúi thấp xuống để chàng không nhìn thấy những vết chàm kín mặt. Nàng đeo mạng cũng là để che đi khuyết điểm này. Từ trước đến nay, chưa có vị nam nhân nào nhìn nàng lâu đến thế, hay đúng hơn là họ không đủ can đảm để làm vậy. Nhưng nếu chuyện ấy xảy ra thì cũng có thể là vì tò mò hoặc họ đang thầm chế giễu gương mặt xấu xí của nàng.
– Xin lỗi. – Chàng đột ngột lên tiếng và sau đó cũng chẳng còn biết nói gì hơn. Nàng không quay lại nhìn nhưng có nhận ra là chàng đang tháo mặt nạ. Tiểu Thục thấy vậy cũng căng thẳng trốn sau lưng mẹ.
– Ngươi… – Nàng thốt lên khi thấy gương mặt chàng phía sau chiếc mặt nạ, một gương mặt đã bị bỏng đến phân nửa. Vết sẹo kéo dài từ chân mày trái, qua gò má, xuống đến tận quai hàm. Lớp da bỏng nhăn nhúm lại như vỏ trái mác mác khô, nhiều chỗ còn bong tróc ra như thằn lằn lột xác. Đó hẳn là lí do chiếc mặt nạ của chàng có hình dáng khác với bình thường, hẳn là để che đi vết sẹo kia.
– Làm hai mẹ con cô sợ rồi. – Chàng cười nhạt.
– Không, ta… – Nàng bất giác sờ lên mặt. Nàng cớ sao mà phải sợ? Gương mặt chi chít chàm này cũng đã khiến không biết bao người bỏ chạy. Nếu hôm nay nàng thật sự sợ hãi trước gương mặt kia thì nàng cũng chỉ là một trong số họ – Ta không sợ.
Nàng nói rồi ngẩng lên nhìn chàng. Gương mặt chàng tuấn tú, vầng trán cao, mũi cũng cao, chóp mũi tròn, khi chàng cười còn để lộ đôi má lúm mà nàng luôn ước ao có được. Không có vết sẹo kia, chàng có lẽ còn anh tuấn hơn nhiều. Nghĩ vậy, hai gò má nàng lại ửng lên.
– Con… có sợ không? – Chàng nghiêng đầu hỏi Tiểu Thục, đôi mắt sáng rực lên.
Con bé hơi ló mặt ra, lắc đầu.
– Có lẽ ta nên đeo vào thôi. – Chàng vừa cầm chiếc mặt nạ lên thì nàng nói vội:
– Không cần đâu. Ngươi đeo vào chỉ thêm nóng nực. Bỏ ra đi. – Nàng quay sang nhìn Tiểu Thục – Bé con, lấy túi bánh ra đây.
Cả ba giờ đã đói meo. Trong túi nải còn sót lại hai khoanh bánh tét chiên rối. Nàng đưa cho con một cái, nhường cho chàng một cái, còn mình ngồi không cào lửa. Chàng rời chỗ, xích lại gần đưa cho nàng cái bánh bẻ nửa, khẽ nói:
– Ăn đi.
– Thôi. Ngươi ăn đi cho lại sức. Không ăn thì sẽ thành cái xác khô đấy.
– Cô không ăn, ta ném cả khoanh vào bếp lửa. – Chàng vừa giơ tay dọa ném, nàng đã chồm dậy chộp lấy, ăn ngấu nghiến.
– Không ăn thì thôi, sao phải phí phạm đến vậy. – Vừa ăn nàng vừa lèm bèm.
Chàng khẽ cười, ung dung ăn nốt phần còn lại. Không nói vậy, chắc nàng sẽ không ăn.
– Cô nương là người học y, có phải không? – Chàng vừa cài áo vừa hỏi.
– Một chút. Mà ngươi… không định để vết thương khô hẳn rồi mới mặc y phục à?
– Ở đây có cô nương và Tiểu Thục, ta có lẽ cũng nên lịch sự một chút.
Nàng gật gù đồng tình. Đoạn, chàng tiếp:
– Ta có thể biết quý danh của cô nương không?
– Nguyễn Thanh Ca.
– Ta họ Lăng, tên Hạc Hiên. – Chàng nói.
Nàng chẳng buồn ngẩng lên nhìn chàng. Quay sang, nàng thấy Tiểu Thục mắt lim dim tựa vào vai nàng, nhưng hễ nàng cứ giục đi ngủ là con bé lại bảo đợi.
– Con đợi gì nào, bé con? – Nàng bế Tiểu Thục lên tay, ấn nhẹ vào chóp mũi con bé.
– Con đợi Giao thừa. – Tiểu Thục dụi dụi hai mắt, ngáp một cái.
Con bé không nhắc thì nàng cũng quên đêm nay là Giao thừa. Bao ngày nay, nhà nhà người người nô nức sắm sửa, chuẩn bị. Ai có thiếu lắm cũng đem được đèn lồng đỏ về treo trên nhà, cũng sắm được tấm áo đỏ cho con. Nhìn Tiểu Thục quần áo rách bươm thế này, ở hang động cũng không có lấy một mâm cơm mời ông Táo, nàng chẳng biết nói gì hơn ngoài ôm chặt lấy con, hỏi:
– Bé con thích mẹ tặng ngày Tết nào?
Con bé tóm lấy mảnh ngọc bội giắt trên thắt lưng nàng mà nói:
– Mẹ tặng Tiểu Thục cái này đi!
Năm ngón tay nhỏ xinh của Tiểu Thục cứ vân vê mãi mấy đường họa tiết trên nửa mảnh ngọc mà không hề hay biết nàng thật sự rất không vui về chuyện này.
– Không được.
– Sao vậy ạ?
Nàng đoạt lại mảnh ngọc, không để ý là con bé sắp khóc.
– Con muốn gì cũng được, nhưng không phải thứ này.
Đứa trẻ hiểu chuyện không chút đắn đo mà gật đầu lia lịa, đoạn chạy ra góc sáng thu lu một mình. Con bé hẳn là buồn lắm.
Chàng ở cửa hang chứng kiến tất cả. Đứa trẻ tuy ngồi xa nhưng vẫn trong tầm với của chàng. Chàng mon men lại gần, giật mảnh ngọc bội giắt bên hông đưa cho Tiểu Thục:
– Tặng con này.
Con bé tròn mắt, giật mình lùi ra sau.
– Đừng sợ. – Chàng cười trấn an – Là quà tặng con đêm Giao thừa.
Nàng cũng nhìn thấy nhưng không nói gì. Tiểu Thục rõ ràng là rất thích những món đồ điêu khắc tinh xảo. Chỉ chừng hai giây sau, con bé đã vui vẻ nhận lấy và cũng không còn dè chừng như trước:
– Cảm ơn… cha!
– Tiểu Thục! – Thanh Ca ngay lập tức nhắc nhở – Sao con lại gọi như vậy?
– Con xin lỗi… – Con bé rất sợ nàng – Con không biết gọi là gì cả.
Nàng đỡ trán, dịu giọng:
– Lỗi tại mẹ. Con cứ gọi là thúc được rồi.
Chàng cũng gật đầu tán thành. Con bé chưa đồng tình ngay mà hỏi tiếp:
– Nhưng sao con không được gọi là cha ạ? Cha… – Con bé nhìn chàng – Cũng tốt với mẹ kia mà. Cha nhường cho mẹ nửa miếng bánh, còn tặng con miếng ngọc đẹp nữa!
Nàng chưa kịp nói, chàng đã vội lên tiếng:
– Vậy con có biết thế nào mới gọi là cha không?
– Dạ… Ai tốt với mẹ, với con thì đều là cha ạ.
– Thật vậy à? – Chàng bật cười – Vậy bé con mấy tuổi rồi?
– Dạ bốn. – Con bé giơ bốn ngón lên – Sang tháng là con được năm tuổi ạ.
Bốn tuổi nên suy nghĩ của con bé cũng thật đơn giản làm sao. Để Tiểu Thục hiểu thì cần phải thêm vài năm nữa. Dù sao cũng chỉ là cách xưng hô, chàng vốn không thấy bận lòng là bao.
– Được rồi. Con gọi ta sao cũng được.
– Ngươi… Ngài đừng có chiều con bé quá. – Nàng đổi cách xưng hô.
Chàng lắc đầu tỏ ý không vấn đề gì. Được chàng bênh nên con bé vui hẳn ra. Vào lúc thị trấn bắn pháo hoa, Tiểu Thục còn kéo tay chàng ra xem nhưng chàng không đi. Nàng đi theo con bé, tiện tay vén dây leo sang một bên để chàng cũng được ngắm pháo.
Năm ấy là năm Thân. Người ta bắn không biết bao nhiêu pháo hình mai, hình đào. Lần nào pháo sáng, Tiểu Thục cũng reo lên:
– Mẹ, mẹ. Pháo hoa kìa! – Mắt con bé phản chiếu những tia sáng rực rỡ giữa trời đêm không trăng không sao. Thấy con bé cười, nàng cũng thuận miệng cười theo.
– Tiểu Thục, chúc mừng năm mới. – Nàng bế con lên.
– Chúc mừng năm mới, cha, mẹ! – Con bé thơm má nàng rồi vẫy tay với chàng.
– Chúc mừng năm mới, Thanh Ca cô nương, Tiểu Thục. – Chàng khẽ cười.
Nàng cúi xuống, đáp lại bằng một cái gật đầu.